Các chương trình học tại Anh giành cho sinh viên quốc tế

Phần I – Các chương trình học phổ thông và đại học

1. Khoá học GCSEs:

v  Khái niệm: Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trung học – GCSEs ( General Certificates of Secondary Education) chính là chứng chỉ chính thức đầu tiên trong hệ giáo dục Vương quốc Anh ( tại Scotland là chứng chỉ Standard Grades).

v  Yêu cầu nhập học giành cho học sinh Việt Nam: Hoàn thành lớp 8 hoặc lớp 9, trong độ tuổi từ 14 đến 16. Làm bài kiểm tra tiếng Anh của trường để xác định trình độ.

v  Thời gian khoá học: 1 – 2 năm phụ thuộc vào hồ sơ nhập học.

v  Số lượng môn học: học sinh học khoảng từ 8 – 12 môn ( một số bắt buộc, một số là tự chọn.

v  Các môn học trong hệ thống GCSEs:

+ Có trên 40 môn học trong hệ thống GCSEs, từ môn nhân văn ( bao gồm văn học và lịch sử Anh) đến khoa học ( hoá và vật lý), khoa học xã hội ( chăm sóc sức khoẻ cộng đồng và kinh tế), công nghệ (ICT và cơ khí), các môn sáng tạo ( nghệ thuật hội hoạ và âm nhạc) và rất nhiều ngôn ngũ cổ và hiện đại, từ Latin đến Urdu.

+ Ngoài ra hệ thông GCSEs còn có 10 môn học nghề được gọi là Applied GCSEs, bao gồm nghệ thuật, thiết kế, kinh doanh, xây dựng, cơ khí, chăm sóc sức khoẻ và xã hội, ICT, du lịch, sản xuất, biểu diễn nghệ thuật và khoa học

v  Kỳ thi kết thúc khoá học: thường được tổ chức vào tháng 4 đến tháng 6 năm cuối cấp học.

v  Thang điểm đánh giá: thang điểm GCSEs bắt đầu từ A* ( A sao, điểm cao nhất) đến G ( điểm thấp nhất). Một số môn học được gọi là bằng kép ( Double Awards) và có giá trị tương đương với 2 môn GCSEs ( do đòi hỏi khối lượng bài vở nhiều), thang điểm của bằng kép từ A*A* đến GG.

v  Đánh giá học lực: thang chuẩn đánh giá học lực tại các trường phổ thông là việc học sinh đạt được 5 môn GCSEs với mức điểm A* đến C trong các môn ưu tiên là tiếng Anh, toán học và khoa học. Học sinh nào không đạt 5 môn GCSEs với mức điểm A* đến C thì sẽ cần thi thêm các chứng chỉ khác để đạt yêu cầu có thể là chứng chỉ BTEC First và OCR Nationals.

2. Khoá A Levels:

v  Khái niệm: A Levels là chứng chỉ được chấp nhận phổ biến nhất tại Vương quốc Anh cho phép bạn có thể học tiếp lên bậc đại học.

v  Yêu cầu nhập học giành cho học sinh Việt Nam: Hoàn thành lớp 10 ở Việt Nam với học lực tốt trở lên, tuổi từ 16 trở lên. Nếu bạn học bậc phổ thông tại Vương quốc Anh, bạn cần đạt 5 môn GCSEs mức điểm A* đến C. Nếu khoá GCSEs có môn học bạn muốn học tại A Levels, bạn cần thi và đạt mức điểm tốt ( từ điểm C trở lên), có điểm IELTS 4.5 – 5.0

v  Thời gian khoá học: 2 năm. Một số trường tư thục có khóa 1 năm và 1.5 năm

v  Số lượng môn học: học sinh sẽ học từ 3 – 5 môn trong 2 năm.

v  Các môn học trong hệ thống A Levels: chuyên về các môn như khoa học nhân văn, nghệ thuật, khoa học và khoa học xã hội hoặc thực tiễn hơn như kỹ thuật, công nghiệp giải trí và du lịch.

v  Kỳ thi kết thúc khoá học: Kỳ thi lấy chứng chỉ AS vào cuối năm thứ nhất và kỳ thi lấy chứng chỉ A Levels vào cuối năm thứ 2.

v  Thang điểm đánh giá: A Levels được đánh giá trên 6 mức, từ A* ( cao nhất) đến E ( thấp nhất).

v  Đánh giá học lực: nếu học sinh đạt 3 môn A Levels với điểm A hoặc hơn, thì học sinh sẽ có cơ hội rất lớn được chào đón tại các trường đại học trên toàn Vương quốc Anh (đặc biệt có cơ hội vào được các trường đại học top 5 như Oxford, Cambridge, LSE, Imperial hay để học những ngành như Y). Các khoá đại học thường yêu cầu ít nhất 2 môn A Levels điểm A hoặc cao hơn, và có thể yêu cầu mức điểm cụ thể cho từng môn học. Và mỗi môn A Levels có giá trị từ 140 đến 40 điểm theo thang điểm UCAS.

3. Tú tài quốc tế ( International Baccaulaureate – IB):

v  Khái niệm: là khoá học tương đương với khoá A Levels. IB là khoá học được giảng dạy ở nhiều nước trên thế giới, đây là một khoá học mang tính quốc tế cao về cả nội dung chương trình đến sự công nhận của quốc tế.

v  Yêu cầu nhập học giành cho học sinh Việt Nam: Học sinh từ 16 tuổi trở lên, hoàn thành lớp 11 với học lực giỏi, có điểm IELTS 5.5 – 6.0

v  Thời gian khoá học: kéo dài 2 năm.

v  Số lượng môn học: bắt buộc học 6 môn, trong đó có 3 môn ở mức độ tiêu chuẩn “Standard level” và 3 môn ở mức độ chuyên sâu “Higher level”. Ngoài ra học sinh còn học môn “Lý thuyết về tri thức”.

v  Các môn học trong hệ thống IB: ngôn ngữ A1, ngôn ngữ thứ hai, cá nhân và xã hội (các môn xã hội), khoa học tự nhiên, toán học, các môn nghệ thuật.

v  Kỳ thi kết thúc khoá học: học sinh phải dự kì thì quốc tế kết thúc khoá học vào cuối khoá và viết một bài luận về một môn yêu thích nhất trong số các môn đã học.

v  Thang điểm đánh giá: điểm cao nhất của IB là 7 và điểm tuyệt đối cho 6 môn là 42. EE ( Extended Essay, bài luận nghiên cứu tự chọn dài 400 từ) và TOK ( Theory of Knowledge: lý thuyết của nhận thức) sẽ có điểm thưởng là 3 điểm. Vì điểm cuối cùng của IB chỉ có sau khi hoàn tất 2 năm học nên trong quá trình học sinh nộp điểm vào các trường đại học, các thầy cô giáo dạy tại trường dạy IB sẽ được yêu cầu đưa ra điểm dự đoán cho học sinh để làm cơ sở đánh giá cho các trường đại học.

v  Đánh giá học lực: cho dù được cấp tại quốc tế hay tại Vương quốc Anh bằng IB Diploma được chấp nhận cho đầu vào của các khoá học tại Anh. Một bằng IB Diploma tổng điểm 24 điểm tương đương với 260 điểm UCAS và điểm cao nhất là 45 điểm tương đương với 720 UCAS.

4. Dự bị đại học quốc tế (International Foundation Year – IFY):

v  Khái niệm: Khoá học Dự bị đại học quốc tế là khoá học hỗ trợ học sinh tốt nghiệp bậc phổ thông ở Việt Nam nhưng vẫn cần nâng cao kiến thức, kĩ năng học tập, trình độ tiếng Anh để học tại các trường đại học ở Anh. Học sinh có thể học khoá này tại chính các trường đại học hay ở các trường cao đẳng.

v  Yêu cầu nhập học giành cho học sinh Việt Nam: Học sinh từ 17 tuổi trở lên, hoàn thành lớp 11 với học lực khá, có điểm IELTS từ 4.5 – 5.0.

v  Thời gian khoá học: 6 tháng, 9 tháng hoặc 1 năm tùy từng trường và điều kiện nhập học.

v  Số lượng môn học: được thiết kế tuỳ theo chuyên ngành cụ thể.

v  Kỳ thi kết thúc khoá học: học sinh làm bài kiểm tra khi kết thúc khoá học.

v  Thang điểm đánh giá: Tuỳ thuộc vào từng trường có khoá dự bị.

v  Đánh giá học lực: học sinh sẽ lấy điểm kết thúc khoá học phù hợp yêu cầu bậc đại học của trường có khoá dự bị hoặc của trường đại học đối tác.

5. Các chứng chỉ và bằng cấp hướng nghiệp:

5.1, Chứng chỉ BTEC Quốc gia (BTEC Nationals):

v  Khái niệm: Là một trong các chứng chỉ phổ thông mang lại nhiều kinh nghiệm thực hành hơn chứng chỉ A Levels, chứng chỉ này được giảng dạy tại các trường cao đẳng.

v  Yêu cầu nhập học: Hoàn thành lớp 11 hoặc tối thiểu là 4 GCSEs, mức điểm A* đến C, hoặc BTEC First Diploma trong ngành tương ứng, điểm IELTS từ 4.5 – 5.0.

v  Chương trình học: bao gồm chương trình trên lớp kết hợp với các tiết thực hành, các khoá BTECs thiết kế chú trọng đến kinh nghiệm làm việc.

v  Các trình độ của chương trình: Certificate, Award hoặc Subsidiary Diploma ( độ dài, độ khó khác nhau).

v  Giá trị của chứng chỉ BTEC Nationals: được chấp nhận đầu vào các khoá Higher National Diploma và Foundation Degree (Đại học đại cương) và một số trường đại học.

5.2, Chứng chỉ hướng nghiệp cao cấp quốc gia (Higher National Certificate-HNC)/Bằng hướng nghiệp cao cấp quốc gia (Higher National Diploma-HND):

v  Khái niệm: HNC và HND là những khoá học hướng nghiệp trình độ cao kéo dài 1 hoặc 2 năm, tương đương với giai đoạn đầu của các khoá học đại học.

v  Yêu cầu nhập học: Có bằng cấp tương đương A Levels ( bằng tốt nghiệp THPT), bằng hướng nghiệp BTEC Nationals hoặc đã học khoá dự bị quốc tế ( IFY), điểm IELTS từ 5.5 – 6.0.

v  Chương trình học: trên nhiều lĩnh vực như kỹ thuật, nghiên cứu, thể thao, nghệ thuật và thiết kế, báo chí, truyền thông  và kỹ thuật âm nhạc.

v  Giá trị của HNC và HND: sau khi hoàn thành khoá học này bạn có thể tìm được một công việc ở cấp quản lý thấp, hoặc có thể chuyển sang học năm thứ hai hoặc năm thứ ba của khoá học đại học để lấy bằng đại học.

5.3, Đại học đại cương (Foundation Degree):

v  Khái niệm: đại học đại cương là những khoá học hướng nghiệp cao cấp được kéo dài 2 năm, tương đương với năm thứ 1 và năm thứ 2 của khoá đại học.

v  Yêu cầu nhập học: Có bằng cấp tương đương A Levels ( bằng tốt nghiệp THPT), bằng hướng nghiệp BTEC Nationals hoặc đã học khoá dự bị quốc tế ( IFY), điểm IELTS từ 5.5 – 6.0.

v  Chương trình học: học sinh được học nhiều môn như nghệ thuật và thiết kế, báo chí và truyền thông, kỹ thuật, quản lý khách sạn, tạo cho học sinh môt nền tảng tốt để kiếm việc hoặc học tiếp để lấy bằng đại học.

v  Giá trị của khoá đại học đại cương: sau khi hoàn thành khoá học học sinh có thể bắt đầu đi làm luôn hoặc học thêm một năm cuối cùng (Top-up course) để lấy bằng cử nhân.

6. Các chương trình đại học:

v  Yêu cầu nhập học: Đã tốt nghiệp Trung học phổ thông; IELTS 6.0

Một số trường có thứ hạng cao yêu cầu học sinh hoàn thành 1 khóa dự bị đại học mới đủ điều kiện nhập học vào năm thứ nhất đại học của trường.

v  Các khoá học kết hợp nhiều chuyên ngành (Combined and joint honours): Rất nhiều trường cho phép học sinh học nhiều hơn với bằng Combined and joint honours degrees. Một khoá học Combined degree sẽ bao gồm các ngành khác nhau trong khi một khoá Joint honours degrees bao gồm các ngành cùng lĩnh vực.

v  Các khoá học kết hợp học và thời gian thực tập (Sandwich courses):

+ Là các khoá học xen kẽ thời gian học và thời gian làm việc trong ngành liên quan và thường kéo dài 4 năm thay vì 3 năm như chương trình đại học thông thường.

+ Học sinh có thể tuỳ chọn làm việc một năm liên tuc hoặc chia làm 2 đợt, mỗi đợt 6 tháng, sau đó quay trở lại trường để hoàn thành khoá học.

+ Học sinh sẽ có kinh nghiệm làm việc trong khoá học này, được các nhà tuyển dụng đánh giá cao và có lợi thế khi tốt nghiệp ( học sinh có thể được trả lương trong thời gian làm).

v  Các khoá học liên kết học tại nước ngoài: Các trường ở Anh thường đưa ra cơ hội học liên kết tại nước ngoài trong một học kì hoặc cả năm học. Loại hình đào tạo này thường dài 4 năm và học sinh quay lại trường tại Anh học vào năm cuối.

Phần II – Các chương trình học sau đại học

1. Dự bị thạc sỹ (Pre – master):

v  Nội dung: Học sinh nếu có bằng cấp hoặc khả năng tiếng Anh chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu nhập học của chương trình thạc sỹ sẽ phải tham gia khoá học dự bị thạc sỹ.

v  Yêu cầu nhập học: Tốt nghiệp đại học, điểm IELTS từ 5.5 – 6.0.

v  Thời gian khoá học: thường kéo dài từ 1 đến 2 học kì (4 tháng/8 tháng)

v  Chương trình học: bao gồm những môn học chuyên ngành, môn học về kỹ năng học tập (viết luận, thuyết trình, tìm tài liệu), văn hoá và ngôn ngữ. Nhiều khoá học đảm bảo bạn được tiếp tục chuyển tiếp lên học chương trình thạc sỹ ở một trường đại học nhất định.

v  Đánh giá kết quả học tập: dựa trên các bài kiểm tra hết môn và có thể bao gồm các bài thi.

2. Chứng chỉ sau đại học ( Posgraduate Certificate/Diploma):

v  Nội dung: là các khoá học dựa trên giảng dạy kéo dài một năm và không đòi hỏi bài luận nghiên cứu cuối khóa. Các bằng cấp này thường được chấp nhận như những bằng cấp chuyên nghiệp, là một khởi đầu tốt cho các bạn sinh viên.

v  Yêu cầu nhập học: Tốt nghiệp đại học, điểm IELTS từ 6.5 trở lên hoặc có bằng dự bị thạc sỹ.

v  Thời gian khoá học: thường kéo dài một năm học ( 9 tháng).

v  Đánh giá kết quả học tập: dựa trên các bài kiểm tra hết môn hoặc các bài thi cuối khoá.

3. Thạc sỹ (MA, MSc, LLM, MEd):

v  Nội dung: các khoá học thạc sỹ dựa trên giảng dạy trên lớp bao gồm hai phần. Sinh viên sẽ phải hoàn thành một số môn học (tham gia các bài giảng và buổi thảo luận, viết luận và làm bài thi) và tự nghiên cứu để viết bài luận.

v  Yêu cầu nhập học: Tốt nghiệp đại học, điểm IELTS tối thiểu 6.5 trở lên.

v  Thời gian khoá học: thường kéo dài trọn 1 năm (12 tháng).

v  Đánh giá kết quả học tập: đánh giá dựa trên các bài kiểm tra hết môn và/ hoặc các bài thi cuối khoá, nộp bài luận.

4. Thạc sỹ nghiên cứu ( MA/ MSc by research, MRes, MPhil):

v  Nội dung: với khoá thạc sỹ này sinh viên chỉ lên lớp cho những môn học quan trọng và chủ yếu giành thời gian để nghiên cứu viết đề tài, có bài viết được đăng báo.

v  Yêu cầu nhập học: Bằng đại học với chuyên ngành phù hợp tốt nghiệp loại khá ( trung bình môn từ 8.0 trở lên), điểm IELTS từ 6.5 – 7.0 và đề cương nghiên cứu.

v  Thời gian khoá học: kéo dài từ 1 đến 3 năm.

v  Đánh giá kết quả học tập: Kết quả cuối cùng sẽ được đánh giá dựa trên chất lượng bài luận văn khoảng 30.000 – 40.000 từ.

5. Thạc sỹ quản trị kinh doanh (MBA):

v  Nội dung: MBA là chương trình thạc sỹ giảng dạy chuyên về lĩnh vực kinh doanh nhằm giúp cho bạn có được một bước thăng tiến thực sự trong công tác quản lý. Quá trình học sinh viên được cung cấp các bài tập tình huống để học cách xử lý và làm việc nhóm.

v  Yêu cầu nhập học: Bằng đại học, điểm IELTS từ 6.5 – 7.0, nhiểu trường yêu cầu 2 – 3 năm kinh nghiệm. Một số trường còn yêu cầu điểm GMAT và kinh nghiệm quản lý.

v  Thời gian khoá học: kéo dài trong 1 năm (12 tháng).

v  Đánh giá kết quả học tập: dựa trên bài kiểm tra hết môn, bài thi, luận văn. Bằng cấp này được xem là bằng cấp sau đại học nổi tiếng và phổ biến nhất.

6. Tiến sỹ (PhD, DPhil):

v  Nội dung: suốt thời gian học chương trình tiến sỹ, sinh viên sẽ phải làm công tác nghiên cứu về một đề tài nào đó dưới sự hướng dẫn của một giáo sư. Trong năm cuối của chương trình, sinh viên sẽ được yêu cầu nộp bài luận khoảng 70.000 – 100.000 từ.

v  Yêu cầu nhập học: bằng Thạc sỹ với chuyên ngành phù hợp và điểm IELTS từ 6.5 – 7.0.

v  Thời gian khoá học: kéo dài tối thiểu 3 năm.

v  Đánh giá kết quả học tập: kết quả cuối cùng sẽ được đánh giá dựa trên chất lượng bài luận.

0978974277
LIÊN HỆ