Lựa chọn môn học khi học A-Level


Để chọn được môn học phù hợp với con em mình trong chương trình A Level, phụ huynh cần xét trên nhiều phương diện. Hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây.


 


Mỗi chứng chỉ/văn bằng/hay chương trình giáo dục đều được xây dựng, dựa trên mục tiêu và sứ mệnh riêng. Do đó, trước hết chúng ta nói về bản chất. Trong hệ thống giáo dục Anh quốc, giáo dục cơ bản/phổ thông kết thúc ở lớp 11, khi học sinh hoàn thành GCSE. Do đó, A Level bản chất là dự bị đại học nâng cao/chuyên sâu, dẫn tới văn bằng Tú Tài (kiểu IB Diploma). Dựa trên khung giáo dục Anh quốc (FHEQ/RQF), thì A Levels tương đương bậc 3/8 cùng với các chứng chỉ nghề nghiệp. Điều đó lý giải vì sao tiêu chuẩn kiến thức và kỹ năng ở bậc A Levels được xây dựng theo hướng chuyên sâu (depth). Thậm chí có nhiều so sánh rằng độ phủ kiến thức và yêu cầu của A Levels tương đương giáo trình năm 1 tại các trường Đại học.


 


Nếu so với GCSE/IGCSE, thì thực sự A Levels khó hơn rất nhiều. Điều này giải thích tại sao đa phần học sinh được khuyến nghị học từ 3-4 môn ở bậc A Levels, thay vì 5-8 môn ở bậc IGCSE. Để thấy điểm này, đơn giản nhất có thể nhìn vào syllabus (khung chương trình) môn học. A Levels đòi hỏi học sinh phải có khả năng tự nghiên cứu (independent research), để phát triển năng lực tư duy bậc cao (higher order thinking skills). Ví dụ, syllabus ở bậc IGCSE thì hướng tới ghi nhớ, hiểu và áp dụng kiến thức (theo tháp Bloom); trong khi bậc A Level thì hướng tới phân tích, tổng hợp/so sánh và đánh giá. Do đó, nếu ở bậc A-levels, nếu năng lực của học sinh chỉ dừng ở mức độ đọc hiểu và ghi nhớ thông tin thì sẽ chỉ có thể qua môn; còn nếu muốn đạt mức điểm C trở lên, học sinh cần chứng minh năng lực ở bậc cao hơn.


 



 


Việc lựa chọn môn ở bậc A Levels cũng có nhiều điểm khác với chọn môn ở IGCSE. Khi bắt đầu IGCSE, học sinh mới đang trong độ tuổi tầm 13-14, nên rất khó biết chính xác thiên hướng của bản thân. Theo nghiên cứu, một người trưởng thành có xu thế thay đổi nghề nghiệp từ 3 lần trở lên, và thay đổi nơi làm việc còn nhiều hơn thế. Do đó, ở bậc IGCSE, học sinh nên chọn môn theo hướng rộng (đa dạng) và cân đối. Tuy nhiên, khi lên tới A Levels, học sinh nên theo hướng tập trung và chuyên sâu. Việc chọn quá rộng môn ở A Levels thậm chí có tác dụng tiêu cực về mặt hồ sơ khi xét tuyển Đại học (thể hiện chưa rõ mục tiêu nghề nghiệp bản thân). Để dễ hình dung, việc lựa chọn 3-4 môn ở bậc A Level cũng không khác mấy với chọn phân ban A-B-C-D với tổ hợp 3 môn như Toán – Lý – Hóa, Toán – Hóa – Sinh, Văn – Sử – Địa, Toán – Văn – Ngoại ngữ, vv… trong hệ thống giáo dục Việt Nam.


 


Thực tế mà nói, không có một công thức đúng cho tất cả, khi lựa chọn môn học ở bậc A Levels. Tuy nhiên, 3 tiêu chí quan trọng để học sinh (lấy học sinh là chủ thể) đưa ra quyết định bao gồm:


 


 


  • Sự yêu thích và thế mạnh của bản thân


  • Sự liên quan tới chuyên ngành mong muốn ở bậc Đại học


  • Tính linh hoạt trong việc chọn chuyên ngành sau này


 


 


Ví dụ, việc chọn các môn cùng một thiên hướng (Toán, Hoá, Sinh ở A Level), mặc dù giảm sự linh hoạt khi lên Đại học, nhưng sẽ phù hợp nếu học sinh có thế mạnh và định hướng theo các chuyên ngành liên quan tới Khoa học tự nhiên ở bậc Đại học.


 



 


Ở Việt Nam, có 8 tổ hợp môn học của Vin School, mình có mấy chia sẻ và phân tích cá nhân như sau:


 


+   Mình hiểu việc chia tổ hợp môn để đảm bảo việc Nhà trường có đủ học sinh cho từng tổ hợp, đặc biệt là khi Nhà trường cung cấp tới 9 lựa chọn môn học ở bậc A Level. Tuy nhiên, 8 tổ hợp là nhiều, và có thể gây nhiều khó khăn cho phụ huynh. Có nhiều tổ hợp môn không có nhiều ý nghĩa. Thay vào đó, Nhà trường nên xem xét tập trung 4 khối chính, như A-B-C-D ở hệ Việt Nam.


 


+   Môn Toán nên là môn bắt buộc ở bậc A Levels. Ngoài Toán ra, trong 8 môn học còn lại, thì có 3 môn thiên hướng KHTN (Lý, Hoá, Sinh), 1 môn thiên hướng KHXH (Tâm lý); 2 môn thiên hướng Kinh tế (Business, Economics); 1 môn thiên hướng Creative (Media Studies); 1 môn thiên hướng Kỹ thuật (Computer Science). Ở Hà Nội, thì Vin chọn môn Global Perspectives & Research thay cho Media Studies. Mặc dù Cambridge đã đưa ra 1 statement để support cho môn GPR A Level, tuy nhiên theo kinh nghiệm của em, môn này nên là lựa chọn số 4 (trong trường hợp học sinh học 4 môn, hoặc học tới AS rồi dừng). Chứ nếu để môn này trong 3 lựa chọn ở bậc A Level thì về mặt hồ sơ sẽ không tốt bằng một môn có tính chuyên ngành hơn.


 


+   Việc ghép môn cũng nên thận trọng với các môn có sự tương đồng về kiến thức. Ví dụ, môn Business và Economics thì không nên kết hợp cùng nhau vì một số trường Đại học sẽ chỉ chấp nhận 1 trong 2 môn để xét tuyển. Do đó, trường chỉ nên chọn 1 trong 2 môn. So giữa Business và Economics, thì học sinh nên chọn Economics vì môn này đem tới lợi thế cao hơn về mặt hồ sơ khi xét tuyển vào Đại học.


 


+   Chương trình Cambridge được xây dựng theo hướng đề cao sự linh hoạt, nên không nhất thiết phải cứng nhắc quá. Nếu phụ huynh và học sinh đã có thiên hướng rõ ràng, thì nên tập trung 3 môn ở bậc AS luôn, thay vì phải học 4 môn ở AS rồi rút xuống 3 môn ở A Level. Việc học tập trung cực kỳ quan trọng ở bậc A Levels để đảm bảo mức điểm các bạn, từ đó đem tới thế mạnh về hồ sơ khi xét tuyển vào Đại học.


 


Để lựa chọn, vẫn là câu chuyện tư vấn cần cá thể hoá theo nhu cầu của gia đình (Best Fit). Nên trên đây chỉ là một chút chia sẻ và phân tích của anh Nguyễn Quang Minh – Giảng viên đại học Massey – NZ, hi vọng các phụ huynh có thể hỗ trợ con chọn lộ trình học tập tốt nhất.


Theo SSDH

0978974277
LIÊN HỆ