Một vài kinh nghiệm về học thạc sĩ luật ở Mỹ



 


8 tháng từ ngày apply. Gần 4 tháng từ ngày bắt đầu trải nghiệm chương trình thạc sĩ luật ở Mỹ. Tôi cũng cóp nhặt được một số suy nghĩ, kinh nghiệm mà có lẽ giải đáp được phần nào thắc mắc muôn thuở của các bạn sinh viên khi đắn đo chuyện đi học cao học luật tại đây. Mỹ là một quốc gia quá rộng nên không thể nào những chia sẻ của bản thân sẽ đúng với mọi nơi, thậm chí là nhiều nơi. Nhưng dù sao có thêm nguồn thông tin để so chiếu, thậm chí có thêm người đắn đo cùng mình cũng đã thoải mái hơn nhiều. Vậy có nên apply học thạc sĩ luật tại Mỹ ngay sau khi tốt nghiệp không hay nên đi làm một thời gian? Nên chọn trường như thế nào?




Các bạn thật sự nên suy nghĩ kĩ vì hiện nay kinh tế khó khăn, các trường ở Mỹ thu hút ngoại tệ rất nhiều và thậm chí dựa dẫm vào chương trình thạc sĩ để có thêm ngân sách trang trải cho chương trình J.D. Dạo một vòng các báo chuyên ngành bên này luôn thấy các trường quảng cáo mạnh và thường xuyên mở thêm nhiều chương trình thạc sĩ mới trong khi không biết chất lượng thế nào. Bởi vậy, hãy lựa chọn thông minh!

Trước tiên, hãy tự hỏi mình: 1) Bạn muốn học chuyên ngành gì (luật công hay luật tư, luật quốc gia hay luật quốc tế); 2) Bạn muốn sau này làm việc ở khối nào (tư nhân, nhà nước hay các tổ chức quốc tế); 3) Bạn muốn sau khi học xong sẽ ở lại hay về nước?

Thực ra, 3 câu hỏi trên, không theo trật tự nào mà nên được suy nghĩ cùng một lúc. Và bạn nên cân nhắc kĩ tất cả các câu hỏi vì khi bạn sang học môi trường sẽ khiến suy nghĩ bạn thay đổi ý định ban đầu, nhất là câu hỏi 3. Vì vậy, nhiều khi, mọi người chọn cho mình phương án an toàn nhất để có thể nhảy qua lại giữa nhiều con đường khi cần.




Bài viết lấy ví dụ thực tế từ chương trình học mà tôi đang theo để chính xác nhất. Trường CWRU cung cấp 03 loại bằng thạc sĩ cơ bản là: bằng thạc sĩ U.S. & Global Legal Studies; bằng U.S. & Global Legal Studies và certificate; bằng thạc sĩ concerntration theo các ngành International Business Law, International Intellectual Property,… Về ranking thì general ranking năm 2013 của CWRU xếp thứ 68 U.S., ngành International Law xếp thứ 13. Vậy tạm lấy đây là ví dụ để dễ nói nên hay không nên chọn trường nào, khóa nào.




1. Ở hay về ảnh hưởng như thế nào?

1.1. Trở về làm việc tại Việt Nam ngay sau khi hoàn thành khóa học

Những ai quyết định quay về ngay sau khi học xong sẽ không khó để lựa chọn. Có thể họ đã có công việc chờ sẵn ở nhà, hoặc vướng bận chuyện gia đình, hoặc do yêu cầu của học bổng chính phủ cần quay lại cống hiến. Thường đối tượng này cũng đã xác định được chuyên ngành để theo đuổi nên cứ yên tâm học, học, chơi và rồi đi về.


1.2. Muốn xin thực tập (intern) 

Nói đến intern thì chỉ nói trong thời gian ngắn từ vài tháng lên đến cỡ một năm. Thường học xong ai cũng muốn được ở lại thực tập vài ba tháng để có thêm kinh nghiệm thực tiễn và làm đẹp CV lúc về xin được việc tốt hơn. Muốn apply internship được thì cơ bản nhất phải biết tại sao các công ty ở Mỹ lại chịu tuyển dụng sinh viên luật quốc tế – những người không có kĩ năng ngôn ngữ tốt như sinh viên bản địa. Khi tôi hỏi, Career Development Office ở đây đã trả lời là do điểm mạnh kĩ năng writing và research tốt. Ngoài ra những công ty có văn phòng đại diện ở nước ngoài hoặc thường xuyên có các hợp đồng với đối tác quốc tế cũng cần tuyển người nước đó (hoặc biết tiếng và văn hóa) để hỗ trợ. Luôn luôn mối quan hệ giữa nhà tuyển dụng và thực tập sinh sẽ là win-win relationship, đôi bên cùng có lợi.

Từ đó rút ra trong quá trình học cần tập trung vào những môn như legal writing and legal research. Bên cạnh đó, internship ở các văn phòng luật và công ty tư nhân chiếm số lượng lớn, một số ngành sinh viên quốc tế hoặc người Mỹ gốc Á hay làm là immigration law, employment law,… Còn những bạn có thiên hướng public international law cũng có thể tập trung vào các môn của ngành đó và xin internship ở NGO, ngôn ngữ mẹ đẻ lúc này là lợi thế.

Với những môn ưu tiên như trên thì có thể chọn chương trình LL.M. nào phù hợp với sở thích của bạn, cũng không quan trọng lắm.

Bên lề một chút, để chuẩn bị đi làm cũng cần làm khá nhiều thứ ngay từ khi kết thúc kì đầu. Một là thi bằng lái xe để có thể tự lái xe thuê đi phỏng vấn hoặc đi làm hàng ngày. Hai là mua một bộ suit. Ba là chau chuốt resume, cover letter, LinkedIn profile theo phong cách Mỹ. Bốn là tăng cường networking, đi các hội thảo, chuyên đề. Năm là apply càng sớm càng tốt. Sáu là tìm hiểu về loại visa để chuyển visa sinh viên F1 sang visa đi làm J1, hoặc visa thực tập OPT. Vậy mới nhấn mạnh, càng sớm càng tốt.

Khi xin việc, nhà tuyển dụng sẽ chú ý hơn đến thời gian bạn học ở Mỹ, bởi vậy không chỉ có chăm chăm vào học là đủ mà bạn cần thể hiện khả năng hòa nhập và quản lí thời gian của mình. Sẽ có rất rất nhiều hoạt động ngoại khóa mang tính chuyên nghiệp mà sinh viên nên tham gia. Một số hướng đến cộng đồng như giảng dạy luật hiến pháp cho các trường tiểu học (3R), ngày hoạt động cộng đồng (community service day – đi làm vườn, giúp dọn dẹp, trang trí). Rất nhiều society, association, club của trường mang tính chuyên nghiệp như International Law Society, APALSA (Asian Pacific American Law Students Association), Environmental Law Society, Student Bar Association,… Đặc biệt các hoạt động học thuật sẽ giúp bạn ăn điểm như mock trial (giải quyết một vụ việc ở cấp sơ thẩm từ A đến Z giống như thật), moot court (tương tự nhưng thường là cấp phúc thẩm, chỉ tập trung vào phiên xử chứ không đặt nặng các trình tự thủ tục khác như discovery,…), moot competition, research assistant, law review (chỉ những sinh viên xuất sắc mới được làm việc trong Law Review Office của trường).


1.3. Muốn xin việc (job)

Đi xin việc (job) rất khác với xin thực tập (intern), bạn hướng đến những vị trí cao hơn chứ không chỉ muốn làm paralegal. Câu chuyện muôn thuở là: muốn xin được việc thì phải eligible cho công việc đó. Muốn eligible thì chí ít phải pass bar exam và có hiểu biết cơ bản về hệ thống pháp luật ở Mỹ. Muốn pass bar và có hiểu biết thì phải học, và chương trình học phải đủ. Rất hiếm trường hợp pass bar mà tự học được hết những môn yêu cầu.

Nói tóm lại, có những lựa chọn sau phù hợp và rất nhiều LL.M.s bạn tôi đang làm:

– Không quan tâm đến title của chương trình LL.M. mà tận dụng 1 năm học chọn học tất cả các môn thi bar yêu cầu (đặc biệt là môn bắt buộc Professional Responsibility). Sau khi học LL.M. xong sẽ tập trung ôn để thi bar.

– Học LL.M. chủ yếu là chuẩn bị kĩ năng tiếng, thi LSAT và làm quen để transfer sang chương trình J.D. (Juris Doctor) 3 năm. Sau 3 năm J.D. sẽ thi bar.

Sau khi đã pass bar exam bạn mới eligible để thoải mái thực hành luật và thăng tiến ở những vị trí cao hơn trong các văn phòng.


1.4. Mục tiêu lâu dài muốn ở lại làm việc và nhập tịch

Để apply greencard cũng cần có thời gian làm việc và đóng thuế khá dài (7 hay 10 năm gì đó). Bởi vậy, giải pháp vẫn quay về công việc. Học thế nào để có thể kiếm được việc ổn định và trang trải được cho cuộc sống về lâu về dài.

Tóm lại, quan trọng nhất bạn phải xác định được mục tiêu sớm, kể cả có 2 mục tiêu cũng cần phải quyết định sớm để có lợi thế thời gian chọn môn học, chương trình học phù hợp.


2. Làm trong khối nào

Việc bạn định làm trong khối nào cũng ảnh hưởng tới việc chọn trường rank ra sao. Vì nhiều khi chúng ta không đủ khả năng chi trả cũng như apply nổi vào những trường danh tiếng, vậy cần phải cân nhắc. Và nó cũng ảnh hưởng tới quyết định đi học luôn hay làm việc một vài năm rồi mới đi.

Làm ở các văn phòng, công ty luật: công việc ở khối này yêu cầu bạn phải có kĩ năng, phải nắm vững và áp dụng được pháp luật Việt Nam trước hết. Có lẽ bạn cần đi học để master các kĩ năng đó trong ngôn ngữ khác, để hiểu về pháp luật Mỹ (sau này sẽ đảm nhận các giao dịch giữa hai bên tốt hơn) hoặc cần tấm bằng từ các trường danh tiếng nhất để đạt được vị trí tốt hơn trong firm.

Bởi vậy, lựa chọn tốt nhất có lẽ là ở lại Việt Nam làm việc trong khoảng 2 năm, tranh thủ đi học lấy bằng luật sư, rồi sau đó mới đi học thạc sĩ. Tất nhiên, học bổng cho đối tượng này không nhiều mà mức độ cạnh tranh lại rất khốc liệt. Nếu được, các bạn cũng nên chọn trường Ivy league hoặc trong Top20.

Làm nhà nước: thường các bạn làm nhà nước sẽ đi theo diện học bổng của chính phủ nên cần vào biên chế cơ quan nhà nước vài năm, thỏa mãn điều kiện để được cử đi học. Miễn phí và thoải mái lựa chọn trường. Nhưng các bạn sẽ không được tự do ở lại làm việc hoặc định cư mà phải quay về cống hiến. Cũng tùy vị trí mà mọi người có nhất thiết phải chọn trường top hay không, nhưng nhìn chung là dễ thở hơn nhiều so với những bạn làm tư nhân.

Làm ở các tổ chức quốc tế: khối này cũng khó để tìm ra một công thức chọn trường chung, nhưng phải công nhận là rất nhiều học bổng mà các bạn có thể tự apply. Nên xem rank ngành học của trường để quyết định chứ không chỉ xem rank chung. Vì sẽ có những trường rank chung không hề cao nhưng không hiểu sao rank một số ngành lại rất cao, và nổi tiếng về một chuyên ngành nào đó. Ví dụ như CWRU rank chung cả trường xếp thứ 68 ở Mỹ nhưng International Law xếp thứ 13 không tệ, Health Law trong Top 10, thậm chí trường Medical School rank dẫn đầu về nghiên cứu ung thư. Trường có các giáo sư nổi tiếng về International Criminal Law nên có khả năng giới thiệu và giúp sinh viên tìm được vị trí thực tập trong lĩnh vực này. Tuy vậy, cơ hội thực tập cho LL.M. hạn hẹp hơn nhiều so với J.D. Giải pháp là bạn cần phải trao đổi với giáo sư, xây dựng các mối quan hệ để tìm được việc.


3. Một vài kinh nghiệm bên lề:

– Nếu bạn phải tự chi trả cho việc học và sinh sống, nên cân nhắc cả vị trí địa lý của trường bạn sẽ học. Một năm sống ở những bang lạnh khắc nghiệt bạn sẽ phải chi tiêu rất nhiều. Bang Ohio tôi đang ở nghe các bạn J.D. kể năm ngoái tuyết rơi từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Có những thời điểm nhiệt độ thấp nhất tới âm 30 độ, tuyết rơi dày cả mét không đi lại được. Quần áo, mũ, găng, giầy dép đều phải dùng đồ tốt, da thật để dễ di chuyển, bền và chống chọi được với tuyết. Trước khi đi có thể đến Hanoi Tower ở Hai Bà Trưng để mua áo khoác The North Face và legging len. Mua ở nhà chỉ cỡ $50 nhưng sang đây cũng áo đó mua hết hơn $200. Chất lượng tôi kiểm chứng thì giống nhau. Vì thời tiết khô lạnh nên các bạn cũng tốn thêm tiền cho đủ loại kem dưỡng, chống nẻ, dầu dưỡng, son dưỡng, đến cả đàn ông con trai cũng buộc phải dùng. Ngoài ra vì trời lạnh, còn tốn thêm tiền heater và phải nghĩ tới chuyện mua ô tô cũ để đi lại cho tiện. Nếu muốn tiết kiệm thời gian và công sức thì không thể tiết kiệm tiền.

– Nên học ở những thành phố đang phát triển, năng động thì lúc tốt nghiệp sẽ dễ xin việc hơn.

– Học thạc sĩ thì visa F1 sẽ có thể làm thêm on-campus không quá 20 tiếng một tuần (40 tiếng trong các kì nghỉ). Những công việc khá nhàn hạ có thể vừa làm vừa tranh thủ học như là thủ thư, ngồi trông computer lab, recording lớp học buổi tối, hỗ trợ mail room. Vì nhiều người cũng muốn kiếm thêm tiền du lịch và trang trải cuộc sống, các bạn nên gửi resume và đặt vấn đề sớm với người phụ trách khóa học của bạn.

– Để tiết kiệm thời gian, sinh viên thường chỉ giặt đồ (laundry) 1 – 2 tuần/lần, nghĩa là bạn phải có lượng quần áo kha khá để đủ thay trong khoảng thời gian đó. Nên mua nhiều quần bò và áo somi, áo phông (từ Việt Nam hoặc qua bên này mới mua tùy điều kiện của bạn). Môi trường học luật rất khác với môi trường đại học, các bạn được khuyến khích và thậm chí là bắt buộc như một yếu tố của professionalism phải ăn mặc chỉn chu, luôn sạch sẽ, thơm tho mặc dù bạn luôn phải thức khuya và uống nhiều cà phê.

– Khi mang đồ từ Việt Nam sang, nên mang nhiều gia vị, nấm khô,… để tiện nấu nướng cho đỡ nhớ. Ngoài ra nên kiểm tra kĩ sức khỏe, khám răng, đo kính trước ở nhà và mang theo thuốc sang vì dịch vụ y tế của Mỹ cực kì đắt mặc dù đã phải mua bảo hiểm. Răng miệng, mắt và dịch vụ cấp cứu chỉ một lần thôi có thể tiêu tốn hết số tiền bạn dùng chi tiêu trong một kì học. Mỗi lần gọi xe cấp cứu bạn phải trả $4,000 – $5,000.

– Khi chọn trường, nếu được hãy chọn trường có chương trình học được nhiều sinh viên bản xứ hoặc châu Âu học. Đó thường là những chương trình tốt. Và nhiều khi, trình độ bạn học quan trọng ngang trình độ giáo sư. Chương trình dạy cũng như cách dạy của các giáo sư luôn được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu và trình độ sinh viên từng khóa. Bạn sẽ có động lực và học được nhiều hơn trong môi trường cạnh tranh cao.

– Nên mang theo từ điển bản in vì khi thi cuối kì, các bạn sẽ làm bài trên một chương trình đặc thù của máy tính (với mình là một dạng cơ bản hơn của word), sẽ bị chặn hết tất cả các chức năng khác, chỉ soạn thảo được mà thôi. Bởi vậy, có từ điển bên cạnh để tra cứu sẽ tiện lợi hơn.


 


( Trích nguồn: MarchLe)

0978974277
LIÊN HỆ