Trong năm học 2015 – 2016, có hơn 1 triệu sinh viên quốc tế theo học tại các chương trình Đại học, sau Đại học, chương trình tiếng Anh, đào tạo nghề tại Mỹ. Theo khảo sát hằng năm của Viện giáo dục quốc tế phối hợp với phòng giáo dục và văn hóa, con số này đã tăng 7.1% so với năm trước.
Mặc dù tính theo tổng số thì khối lượng du học sinh chỉ chiếm 5%. Thế nhưng trong vòng một thập kỷ qua, số sinh viên quốc tế đã tăng gần 85%. Tuy các bạn chọn học nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng phổ biến nhất chính là khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học – được gọi chung là STEM.
Engineering vượt Business, trở thành ngành học được du học sinh Mỹ chọn lựa nhiều nhất. Nguồn: USnews
Hơn 1/3 du học sinh định hướng học các ngành kỹ thuật toán học và khoa học máy tính. Trong số đó, 216932 sinh viên học về kỹ thuật (Engineering), tăng 10.3% so với năm trước và 141651 sinh viên học ngành toán học (Math) và khoa học máy tính (Computer Science), tăng 25.4% so với năm trước.
Các ngành kỹ thuật giờ đây đã “vượt mặt” quản trị kinh doanh, trở thành lĩnh vực phổ biến nhất trong cộng đồng du học sinh. Sự tăng trưởng này vẫn chưa dừng lại ở đó, vì thực tế số lượng sinh viên Ấn Độ đến học tập tại Mỹ cũng đang gia tăng từng ngày. Tại một số vùng đất như Ấn Độ, “những ngành như STEM giữ vị trí danh giá và quan trọng hơn so với các ngành khoa học xã hội và nhân văn”, theo Rajika Nhandari – phó chủ tịch nghiên cứu và kiểm định ở Viện giáo dục quốc tế IIE.
Với tổng cộng 165918 bạn, số lượng sinh viên Ấn Độ tại Hoa Kỳ tăng 24.9% trong năm 2015-2016. Trong đó 80.1% học các ngành thuộc STEM – kỹ thuật, y tế, toán học, khoa học máy tính, khoa học vật lý tự nhiên.
Karan Syal, người Ấn và hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành kỹ thuật y sinh (Biomedical Engineering) tại Arizona State University. Karan Syal cho biết nghiên cứu của mình tập trung vào vi khuẩn kháng kháng sinh và một thiết bị giúp các nhà chăm sóc sức khỏe nhận diện chúng một cách nhanh chóng hơn. Ông cho rằng ở một góc độ nào đó, nước Mỹ có nhiều nét tương đồng với Ấn Độ, về cách nhìn nhận quan điểm, con người và văn hóa. Vì thế Syal rất trân trọng thời gian nghiên cứu tại đây. Syal trước đây từng tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ tại Viện công nghệ Ấn Độ ở Madras, ông quyết định đến Mỹ để hoàn thành chương trình Tiến sĩ của mình vì cấu trúc chương trình ở đây có sự kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và nghiên cứu, tốt hơn so với nhiều quốc gia khác.
Brazil cũng là đất nước có nhiều du học sinh chọn STEM, nhưng năm nay số lượng ngày đã giảm 18.2%. Lý do chủ yếu vì chương trình học bổng chính phủ Brazil Scientific Mobility Program trong năm vừa qua gửi ít sinh viên đến Mỹ. Chương trình này trong vài năm qua đã hỗ trợ cho hàng ngàn sinh viên Brazil có cơ hội học và thực tập các ngành STEM ở nước ngoài.
Một yếu tố khác cũng thúc đẩy sự gia tăng du học sinh Mỹ ngành STEM là do chương trình mở rộng 24 tháng OPT (tổng cộng là 3 năm OPT cho nhóm STEM). Hiện tại ở Mỹ có 147498 sinh viên quốc tế tham gia OPT trong năm 2015-2016, tăng 22.6 % so với năm trước.
Là một du học sinh Mỹ, tuy khởi đầu sẽ có rất nhiều khó khăn, nhưng dần dần bạn sẽ nhanh chóng hòa nhập với ngôi trường và cộng đồng. Đó cũng là những điều mà những sinh viên như Syal và Junru Ren – sinh viên năm 3 ngành Kỹ thuật Máy tính (Computer Engineering) tại UC Sandiego – chia sẻ: “Sống xa nhà trong một nơi hoàn toàn khác biệt về văn hóa, tôi đã thực sự lo sợ mỗi khi phải đối mặt với những thách thức tại đây, nhưng được dành thêm 2 năm cho chương trình của mình, những trải nghiệm mà tôi có được trở nên rất tuyệt vời!”
The Tree Academy dịch từ USnews